Trả lời:Thưa thầy,
Mẹ con bị bệnh tiểu đường, cao máu và cao mỡ trong máu. Mẹ con bị bệnh này gần 10 năm nay rồi, càng ngày bà càng ăn ít, bà kiêng đủ thứ sợ đường sợ máu mỡ, nên bà yếu, hay bị cảm cúm, da dẻ không hồng hào, bụng bà cũng lớn ra, hay đau nhức nhất là nhức buốt vai và chân bên trái. Lúc này bà hay kêu bị nhức và ê ẩm trên đầu bên trái, mấy đầu ngón tay hay bị tê. Bà bị khô cổ và hay khát nước mặc dù có uống nước vẫn khát, nên bà không uống nhiều mà chịu khát. Đây là kết quả đo máu của bà sau khi ăn tối hôm nay, bên phải 140/75/99, bên trái 132/62/101. Làm sao để biết bà thuộc loại tiểu đường nào và bắt đầu chữa từ đâu. Xin thầy chỉ cho, cảm tạ thầy.
Chào thầy
1-Xem bài Công Bố Kết Quả 30 Năm Nghiên Cứu Về Áp Huyết, đo áp huyết 140/75/99, và 132/62/101 đừng tưởng là cao, mạch bình thường 70-80, bỗng dưng mạch lên cao hơn 20, lấy số 140-20, áp huyết tay phải thực ra sẽ là 120/75/79, tay trái 112/62/81. Như vậy không phải là bệnh áp huyết cao, mà do biến chứng của tây dược. Số thứ 3 chỉ mạch cao 99, 101, là âm hư nội nhiệt, (thiếu máu, nóng trong người), máu không lên đầu đủ bên trái vì áp huyết thật có 112.
2-Nên đo đường trong máu mỗi ngày, vì có khi uống thuốc tiểu đường và áp huyết suốt đời, mà quên không theo dõi mỗi ngày, có khi đường xuống thấp làm cơ thể mệt mỏi, hay bị xỉu mà không biết.
3-Hãy đo đường trước khi ăn và sau khi ăn cho tôi biết chính xác buổi sáng và buổi chiều (4 lần), đo áp huyết 2 tay, ngày 2 lần, còn cho tôi biết kết qủa cholesterol khi thử máu là bao nhiêu, thử ngày nào. Trung bình, thử vào buổi sáng khi chưa ăn, đường có thể lên đến 8.mmol/l và sau khi ăn đường lên 12mmol/l là người không có bệnh, vì sau 4 tiếng đồng hồ đường sẽ xuống trở lại bình thường. Ngược lại, sáng chưa ăn mà thử đường cao hơn từ 8-12mmol/l là người có bệnh tiểu đường.
4-Không phải cứ nghe bác sĩ cho biết kết qủa cao máu, cao mỡ, tiểu đường, rồi hốt hoảng chạy thầy chạy thuốc lung tung. Phải theo dõi kết qủa thử máu, trước khi uống thuốc có kết qủa áp huyết, đường, cholesterol bao nhiêu, sau khi uống một thời gian dài cho đến nay là bao nhiêu năm, kết qủa thử nghiệm có bớt không hay bệnh lại nặng hơn. Tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao để chữa vào gốc bệnh. Theo đông y khí công có 3 nguyên nhân Tinh-Khí-Thần. Tinh là do ăn uống. Khí là do luyện tập. Thần là tính tình hòa nhã vui vẻ không la hét giận hờn, nhưng dùng thần để chữa bệnh là sự quyết tâm muốn tự chữa hết bệnh, không cần ỷ lại vào thuốc men. Thí dụ như ăn uống : Biết mình có bệnh cao mỡ, cao đường, quyết tâm từ nay không ăn thịt, mỡ, đường chừng 1 năm thì làm gì còn mỡ còn đường trong người mà cần phải uống thuốc hàng chục năm trời cho khổ.
Một người không vận động khi ăn mỡ, ăn đường, không chuyển hóa mới thành bệnh, còn một người đạp xích lô, ăn ít như thế, làm sao đủ sức khỏe để đạp xích lô, họ phải ăn nhiều gấp 10 lần cũng không sao.
Tôi so sánh như thế, có nghĩa là bây giờ ăn phải ít đi, mà cần vận động nhiều gấp 2-3 lần, thì chắc chắn không cần phải uống thuốc cũng khỏi bệnh. Do đó những bệnh cao máu, cao mỡ, tiểu đường là bệnh chỉ xẩy ra với những người lười vận động, chứ chưa bao giờ xẩy ra với những người trong giới lao động làm việc vất vả bằng chân tay.
Chữa tiểu đường bằng ăn uống :
a-Sữa Hạnh Nhân :
Mua ở tiệm thuốc bắc 1 gói Hạnh Nhân Bắc và 1 gói Hạnh Nhân Nam, xay chung 2 thứ nhuyễn thành bột, bỏ vào lọ cất đi, mỗi sáng dùng 2 muỗng cà phê pha với 1 ly nước sôi, khuấy đều thành sữa, uống lúc nóng, vừa làm hạ đường, tiêu đàm. Khi thử đuờng thấp xuống đến 6 thì tạm ngưng vài ngày.
b-Lá dứa thơm :
Ở chợ thực phẩm, có bán lá dứa để nấu chè cho thơm, mỗi lần nấu 5 lá với 1 lít nước, cạn còn 1/2 lít, uống sau khi ăn. Đường xuống chậm, khoảng 7 tiếng sau đường mới xuống sau khi uống. Nên đo đường mỗi ngày, khi đường xuống đến 5-6 thì ngưng, cho đến khi đường lên cao hơn 8mmol/l mới uống lại. Nếu không theo dõi đường đừng để đường xuống thấp dưới 5 thì cơ thể cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, xuống đến 4 hay 3 thì mệt như ngủ say. Đã có nhiều trường hợp xảy ra như thế, bệnh nhân đã phải đi cấp cứu ở bệnh viện mà không rõ nguyên nhân.
c-Trà Sơn Tra :
Mua ờ tiệm thuốc bắc 1 gói Sơn Tra, lấy 20 miếng Sơn Tra nấu với 2 lít nước, cạn còn 1 lít, chia làm 4 ly, uống trước và sau bữa cơm 1 ly, Sơn Tra vừa làm hạ áp huyết và tiểu đường, cholesterol, mỡ trong máu.
5-Cần phải tập Đứng Hát Kéo Gối Lên Ngực 20 lần cho khí huyết lên đầu. Cúi Ngửa 4 Nhịp giúp máu lên nuôi não. Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần, giúp tiêu hóa, chuyển hóa, hạ áp huyết, bụng nhỏ lại, tiêu mỡ trong gan, trong máu, mạnh lưng, chân. Vỗ Tay 4 Nhịp 200 lần, để thông khí huyết mạnh tim phổi. Dậm Chân Phía Trước, Dậm Chân Phía Sau 5 phút làm mạnh chân, ấm chân, hạ áp huyết. Tập thở bụng để làm hạ áp huyết. Nếu mỗi ngày tập 3-4 lần cho đổ mồ hôi thỉ khỏi sợ áp huyết, mỡ máu cao và đường trong máu cao. Tất cả những người tập khí công theo băng của tôi đã hết những bệnh này từ lâu mà không dùng thuốc, vì những bài tập đó giúp cơ thể tự điều chỉnh, tương đương với thuốc.
Thân
doducngoc
Nguồn tin: Thầy Đỗ Đức Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Chúng tôi trên mạng xã hội